shape
shape

BLOG DETAILS

Phần 2 Hồi ký người phiên dịch : Trời xanh qua kẽ lá

Phần 2 Hồi ký người phiên dịch : Trời xanh qua kẽ lá

((Tên các nhân vật (trừ người phiên dịch) và một số địa điểm đã được thay đổi để bảo vệ thông tin thực của họ)
Khi xe vừa chạy được chừng 10 phút thì điện thoại của tôi báo có cuộc gọi từ giáo sư Bách Hiệp. Giọng ông vẫn sốt sắng, nhưng lần này thì hồ hởi hơn hẳn: 
“Bây giờ tình hình thế này...Tớ vừa nói chuyện lại với thứ trưởng Hoành Tung và cả trung tướng Hoàng Lâm rồi. Sáng mai thì họ có thể tiếp đoàn cả một buổi luôn, không cho đoàn nào khác vào. Em bàn với trưởng đoàn xem có thu xếp được lịch ngày mai ở Hà Nội không?”
Thoáng chút bối rối lần thứ 4, nhưng tôi nhanh chóng lấy lại bình tĩnh sau 4 giây. Lúc này anh Morita, trưởng đoàn, đang nhìn dòng người và xe cộ nườm nượp trên phố qua cửa kính xe với nét mặt đăm chiêu. Tôi đến ngồi vào ghế bên cạnh anh để tiện trao đổi. Sau khi nghe tôi truyền đạt thông tin từ giáo sư Bách Hiệp, anh đáp với vẻ tiếc nuối “chuẩn Nhật” khi người ta từ chối một lời đề nghị:
“Nhờ anh nói với giáo sư là chúng tôi rất biết ơn sự nhiệt tình của ngài cũng như của thứ trưởng và trung tướng. Tuy rất muốn ở lại Hà Nội để có thể diện kiến trung tướng, nhưng sáng mai đoàn phải bay vào HCM theo kế hoạch vì không thay đổi được lịch làm việc ở đó. Mong một dịp gần nhất sẽ có cơ hội được đến thăm các ngài.”
Câu trả lời của Morita không làm tôi bất ngờ vì tôi đã đọc được nó trong mắt anh từ khi chúng tôi rời Cục đối ngoại ban nãy. Gọi lại cho giáo sư Bách Hiệp, tôi truyền đạt nguyên văn lời của trưởng đoàn và cũng không quên cảm ơn giáo sư đã cố gắng hỗ trợ hết mức có thể. Qua điện thoại, tôi cảm nhận được sự áy náy của ông trong giọng nói. Tôi hiểu là giáo sư đang rất buồn vì dù sao ông cũng là người kết nối trong “phi vụ” này. Hy vọng họ sẽ có dịp gặp lại nhau vào một ngày không xa.
Tôi rời khỏi ghế cạnh Morita, quay lại hàng ghế đầu ngay phía sau ghế lái, rồi ngồi xuống ghế bên cạnh Huy Sơn, người hướng dẫn viên du lịch đi cùng đoàn trong những ngày họ ở Hà Nội. (Tôi chỉ được thuê 1 ngày để phiên dịch cho đoàn làm việc, còn các hoạt động khác liên quan đến du lịch như tham quan, ẩm thực thì do Huy Sơn phụ trách). Thấy tôi thở dài, Huy Sơn quay sang động viên:
“Thôi đừng bận tâm quá, chuyện như thế này ở Việt Nam xảy ra như cơm bữa ấy mà.”
Thực ra bản thân tôi thì không buồn phiền gì, vì dù có phiên dịch buổi chiều này hay không thì khách vẫn trả lương cả ngày cho tôi. Tuy nhiên, tôi có chút áy náy dù không phải lỗi của mình, mà cũng không biết cuối cùng là lỗi của ai. Chắc lỗi tập thể. Ôi cái định luật này thật là vi diệu. 
Tôi chép miệng, quay sang nói với Huy Sơn:
“Biết thế này thì buổi trưa cứ để khách ăn uống thong thả rồi hẵng đi bảo tàng chiến tranh, anh nhỉ.”
Huy Sơn gật gù hưởng ứng:
“Công nhận. Mình thì cứ lo căn giờ để đến kịp cái Cục kia trước giờ hẹn 10 phút. Ăn xong còn chưa kịp thở đã phải đi.” 
Trước khi đến Cục đối ngoại của bộ XYZ, đoàn đã đi thăm bảo tàng chiến tranh. Lâu lắm rồi tôi mới có dịp trở lại nơi này. Những ký ức thời làm HDV du lịch bỗng ùa về khi nghe Huy Sơn say sưa thuyết minh cho cả đoàn về các trận đánh trong lịch sử. Phải nói là anh ấy rất có duyên làm HDV và kiến thức rất phong phú. Có vẻ như sương gió nhiều năm trong nghề làm cho anh trông phong trần và nhìn hơi khắc khổ một chút, nhưng đôi mắt thì rất sáng và vô cùng lanh lợi. Cả đoàn chăm chú nghe thuyết minh, có vài người còn hí hoáy ghi chép cẩn thận lắm.
15:30
Xe chúng tôi dừng lại ở đầu một con phố nhỏ. Cả đoàn xuống xe và đi bộ theo sau Huy Sơn. Tôi cảm thấy bồi hồi khó tả, hình như mình đã từng đi trên con phố này...
“Đánh giày không chú ơi...”
Tiếng một đứa trẻ lanh lảnh kéo tôi về với thực tại. Cả đoàn dừng lại trước một cái cổng gỗ sơn màu xanh nước biển đã khá cũ có treo biển “OMOIDE”, nghĩa là “kỷ niệm”. Đây là một trong những nhà hàng Nhật Bản lâu đời nhất ở Việt Nam, trông nó vẫn như thời tôi còn là sinh viên đi làm thêm từ hơn 20 năm trước. 
Sau khi Huy Sơn hướng dẫn cả đoàn vào một phòng họp khang trang, anh gọi đồ uống cho mọi người rồi quay sang nói với tôi:
“Em cần trao đổi thêm gì với khách thì cứ tự nhiên nhé. Anh sẽ chờ ở quanh đây cho đến khi khách ăn tối xong rồi đưa khách về.”
Tôi cảm ơn Huy Sơn rồi quay lại phòng họp. Thì ra trong lúc tôi nói chuyện điện thoại với giáo sư Bách Hiệp trên xe thì trưởng đoàn Morita đã nhờ Huy Sơn bố trí phòng họp ở ngay chính nhà hàng mà đoàn sẽ ăn tối, mục đích là để thực hiện “Phương án 2” mà không phải tốn thêm thời gian di chuyển. Khi mọi người đã ổn định vị trí, Morita đứng lên trịnh trọng tuyên bố:
“Thưa các bạn, như tôi đã trao đổi với cả đoàn trước khi rời Cục đối ngoại của bộ XYZ, chiều nay tuy lịch làm việc không thể thực hiện theo kế hoạch ban đầu vì lý do khách quan, nhưng cũng vừa khéo để chúng ta có đủ thời gian ngồi lại chia sẻ với nhau về những nội dung mà mỗi cá nhân đã tự rút ra được sau bài giảng sáng nay của giáo sư Bách Hiệp. Nhân tiện, tôi cũng muốn bàn thêm về kế hoạch làm việc chi tiết sau khi chúng ta đến HCM. Sau đây chúng ta sẽ chia tay anh Aikawa, người phiên dịch đã hỗ trợ hết mình cho cả đoàn trong ngày hôm nay.”
Lúc này tôi đứng ở góc phòng họp để chờ sau khi Morita nói xong, và trước khi họ bắt đầu buổi thảo luận thì tôi sẽ tranh thủ xin 5 phút để nói vài lời cảm ơn và chào tạm biệt cả đoàn, vì họ không cần phiên dịch nữa. Như đoán được suy nghĩ của tôi,  trưởng đoàn Morita gọi tôi đến bên cạnh anh rồi nói:
“Thay mặt đoàn, xin cảm ơn anh vì đã hỗ trợ hết mình cho chúng tôi. Giá mà ngày mai có anh đi cùng vào HCM thì tốt quá. Tiếc là chúng tôi không biết anh sớm hơn. À, còn đây là món quà mà hôm nay đoàn chuẩn bị nhưng đã không có cơ hội tặng, tôi sẽ rất vui nếu anh nhận nó. Anh sẽ không từ chối chứ?”
Tôi rơm rơm nước mắt. Thực sự rất cảm động vì không phải lúc nào người phiên dịch cũng nhận được những lời cảm ơn một cách trang trọng như vậy từ khách. Tôi nhận món quà vì nhìn thấy sự chân thành trong mắt Morita. Tôi xin phép anh cho tôi nói vài lời với cả đoàn.
“Thưa các vị, xin chân thành cảm ơn các vị vì đã cho tôi cơ hội được phục vụ những người chuyên nghiệp và văn minh như các vị. Hôm nay tôi đã học được rất nhiều từ “thái độ học tập” và “thái độ ứng xử” của các vị. Tuy rất tiếc là đã có một sự cố ngoài kế hoạch, nhưng có lẽ đây là một kinh nghiệm quý cho các vị khi làm việc với Việt Nam. Tôi xin phép không bình luận tốt xấu, mà chỉ xin bật mí rằng Việt Nam có rất nhiều điều thú vị đang chờ các vị khám phá nếu các vị thực sự muốn tìm hiểu đất nước này. Với tư cách là một người Việt Nam mang quốc tịch Nhật Bản, tôi tự hào về cả hai nước và mong sẽ có dịp lại được phục vụ các vị. Xin chúc các vị sức khỏe và hoàn thành tốt chương trình tập huấn tại Việt Nam.”
Cả đoàn vỗ tay rầm rầm. Mấy chị phụ nữ thì rút khăn ra lau nước mắt, sụt sà sụt sùi rất “trầm trọng”. Mấy anh nam giới thì mắt chỉ hơi đỏ, có khi là vì bụi đường và khói xe cũng nên.
Thoáng chút bối rối lần thứ 5, nhưng tôi nhanh chóng lấy lại bình tĩnh sau 5 giây, cúi chào cả đoàn rồi rời khỏi phòng họp. Tôi rất sợ những giọt nước mắt chia ly trong mọi hoàn cảnh. Trưởng đoàn Morita tiễn tôi ra đến cửa, cúi chào lịch sự rồi trở lại vào bên trong. Chờ cho bóng anh khuất hẳn sau cánh cửa, tôi mới quay người, bước thẳng ra phía chiếc cổng gỗ sơn màu xanh nước biển đã cũ. 
16:00
Nhìn sang bên kia đường, thấy Huy Sơn đang ngồi hút thuốc bên ly cafe đen đá, mắt đăm chiêu nhìn xa xăm, tôi băng qua đường giữa làn xe thưa thớt (con phố này luôn vắng xe cộ qua lại). Huy Sơn bảo tôi gọi đồ uống nhưng tôi xin phép đi luôn, vì không muốn chiếm thời gian riêng tư của anh. Chúng tôi chia tay và hẹn khi nào có dịp, anh em sẽ nhậu một bữa tại Hà Nội.
Tôi bước xuống đường, định bụng sẽ đi bộ hết con phố này rồi mới gọi xe đi tiếp. Một cơn gió nhẹ thổi tới làm lá cây hai bên đường xào xạc. Tôi ngước mắt lên nhìn tán lá phía trước, bất chợt thấy một khung trời xanh biếc hiện ra giữa các kẽ lá đang rung rinh trong gió...
Hà Nội, tháng 1 năm 2020
Hết